Thấm dột là một trong những vấn đề phổ biến mà cư dân chung cư thường gặp phải. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thấm dột còn có thể gây hư hại đến tài sản và sức khỏe. Vậy khi chung cư bị thấm dột, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và chi phí sửa chữa? Trong bài viết này, Công ty luật TNHH ZNA sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn rõ ràng về vấn đề này.
Chung cư bị dột, trách nhiệm thuộc về ai?
Tại khoản 1 Điều 129 Luật Nhà ở 2023 quy định về việc bảo trì nhà chung cư như sau:
Điều 129. Bảo hành nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng trang thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.
2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
[…]
Như vậy, trường hợp nhà chung cư thấm nước thì trách nhiệm sẽ được xác định như sau:
Trường hợp 1: Nhà chung cư vẫn còn trong thời hạn bảo hành
Theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Nhà ở 2023, thời hạn bảo hành nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Do đó, nếu nhà chung cư bị thấm nước, bị dột do chất lượng công trình trong thời hạn bảo hành 60 tháng này thì bên bán, bên cho thuê căn hộ chung cư có trách nhiệm phải sửa chữa.
Ngược lại, nếu việc bị dột là lỗi do chủ căn hộ thì chủ căn hộ sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Đối với trường hợp nhà chung cư bị thấm nước là do lỗi của chủ sở hữu căn hộ bên trên của căn hộ đó thì chủ sở hữu căn hộ bên trên cần phải tự chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục thiệt hại cho bên bị thiệt hại (căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015)
Trường hợp 2: Đã hết hạn bảo hành nhà chung cư
Căn cứ khoản 2 Điều 32 Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định:
– Trường hợp hư hỏng phần sở hữu riêng mà ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác: Chủ sở hữu có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng đó. Nếu không thì đơn vị quản lý được quyền tạm ngừng hoặc đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với phần sở hữu riêng này.
– Trường hợp hư hỏng phần sở hữu chung thuộc khu vực thuộc sở hữu riêng: Chủ sở hữu phần sở hữu riêng có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư để sửa chữa các hư hỏng đó.
Như vậy, trường hợp phần bị thấm, dột thuộc sở hữu riêng nhưng lại làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu khác, thì chủ sở hữu có nhà bị thấm, dột có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng đó.
Nếu không sửa chữa thì đơn vị quản lý vận hành hoặc người được giao quản lý nhà chung cư được tạm ngừng hoặc đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sinh hoạt.
Sửa chữa chung cư gây dột cho nhà khác, bồi thường thế nào?
Theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác.
Trường hợp do người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì chủ căn hộ và bên thi công phải liên đới bồi thường.
Như vậy, trong trường hợp chủ căn hộ chung cư sửa chữa căn hộ, gây thấm dột cho nhà hàng xóm thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên.
Thiệt hại trong trường hợp này được xác định gồm tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…
Về việc bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật Dân sự nêu rõ sẽ do các bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, cách thức bồi thường…
Đáng lưu ý: Chủ căn chung cư gây ra tình trạng thấm dột cho nhà hàng xóm có thể được giảm mức bồi thường nếu có lỗi do vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người này.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, người nào gây thấm, dột căn hộ, nhà chung cư có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Trên đây là quy định về việc ai phải chịu trách nhiệm khi chung cư bị dột. Vấn đề thấm dột trong chung cư không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tài sản và sức khỏe của cư dân. Để tránh những tranh chấp không đáng có, việc hiểu rõ ai sẽ chịu trách nhiệm và chi phí sửa chữa là rất quan trọng. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy nhanh chóng liên hệ với ban quản trị để được hỗ trợ kịp thời.